1. Chống hen phế quản
- Luteolin trong có tác dụng giãn cơ trơn phế quản.
- Một nghiên cứu lâm sàng được thực hiện trên bệnh nhân hen phế quản cho thấy dầu hạt làm tăng cường chức năng hô hấp.
2. Điều trị đái tháo đường
Dịch chiết từ hạt nảy mầm của cây tía tô đã được chứng minh là có tác dụng chống đái tháo đường trên mô hình chuột thí nghiệm bị đái tháo đường type 2 thông qua các cơ chế: làm giảm lượng đường huyết bất kỳ, giảm nồng độ triglycerid và nồng độ cholesterols toàn phần trong huyết thanh; làm tăng sự không dung nạp đường và tăng nhạy cảm với insulin; kích hoạt protein kinase hoạt hóa bởi AMP (AMPK) và thông qua đó, ức chế tân tạo đường ở gan.
Acid chlorogenic và acid rosmarinic ức chế enzyme Aldose reductase, làm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng đái tháo đường.
3. Chống trầm cảm
Một số hoạt chất như apigenin, acid rosmarinic, acid caffeic được chứng minh là có tác dụng chống trầm cảm trên mô hình chuột với nghiệm pháp bơi cưỡng bức. Acid rosmarinic và acid caffeic tiêm phúc mạc chuột làm giảm đáng kể thời gian bất động của chuột thực hiện nghiệm pháp bơi cưỡng bức. Apigenin cũng có tác động tương tự trên chuột thực hiện nghiệm pháp này.
4. Khả năng ức chế khối u
Dầu với hàm lượng cao acid béo không bão hòa ω-3 và acid α-linolenic, cho thấy tác dụng chống lại N-methyl-N-nitrosourea, một yếu tố gây ra ung thư đại trực tràng trên mô hình chuột. Các acid béo này cũng được chứng minh là có tác dụng ức chế azoxymethane, chất gây ra tổn thương tiền ung thư đại trực tràng trên mô hình chuột.
5. Tác dụng kháng viêm
Shisoflavanone A chiết xuất từ cây tía tô ức chế sự sản xuất NO trên tế bào gan chuột kích thích bởi inteuleukin 1β, qua đó làm giảm đáp ứng viêm và tổn thương tế bào gan.
6. Tác dụng kháng khuẩn
Từ dịch chiết ethyl acetate của hạt, người ta phân lập được luteolin và quercetin có hoạt tính kháng các vi khuẩn gây bệnh đường miệng (các Streptococci thường trú ở miệng) và Porphyromonas gingivalis.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2016 cho thấy perilla aldehyde, hoạt chất chính trong tinh dầu có tác dụng ức chế các loài vi khuẩn Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Salmonella typhimurium, Vibrio parahaemolyticus và nấm Trichophyton mentagrophytes.
7. Khả năng chống oxy hóa
Acid rosmarinic, luteolin, apigenin và chrysoeriol phân lập từ quả cây tía tô được chứng minh có tác dụng chống oxy hóa bằng cách sử dụng gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picryl-hydrazyl (DPPH), trong đó, acid rosmarinic và luteolin cho thấy khả năng loại bỏ gốc tự do DPPH đáng kể với giá trị IC50 lần lượt là 6.81 mM và 7.50 mM.
8. Khả năng bảo vệ hệ tim mạch
Một nghiên cứu gần đây cho thấy dầu hạt tía tô, một nguồn ω-3 dồi dào, có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol huyết thanh và giảm tích lũy lipid ở thành động mạch chủ ngực và gan thông qua điều hòa quá trình tổng hợp và phân giải lipid ở chuột được nuôi bởi chế độ ăn giàu lipid. Thông qua nghiên cứu này, dầu hạt tía tô được cho là có tiềm năng trong việc làm giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch và béo phì do chuyển hóa.